Làm ngơ nhìn đất mất Giả Tự Đạo

Ở miền bắc, Hốt Tất Liệt sau 4 năm chiến tranh đã đánh bại A Lý Bất Ca, trở thành người cai trị của Mông Cổ[13]. Năm 1271, Người đổi tên nước là Đại Nguyên, từ đó quân Mông Cổ gọi là quân Nguyên. Ổn định chính sự, Nguyên Thế Tổ tính đến việc nam chinh, lệnh Lưu Chỉnh, A Truật đánh lấy Tương Dương (1267). Tướng giữ Tương Dương[14]Lã Văn Hoán cấp báo với anh là Lã Văn Đức nhưng Văn Đức lại coi như không có chuyện gì. Quân Mông Cổ bao vây Tương Dương, Lã Văn Hoán kiên trì kháng cự suốt 5 năm. Bấy giờ tại Lâm An, Giả Tự Đạo biết Tương Phàn nguy cấp mà không có hành động gì, chỉ cùng lũ tì thiếp ở Cát Lĩnh ngày đêm yến ẩm hoan lạc. Tự Đạo ghét ai đến làm phiền, bèn để sẵn một lò lửa, thấy ai khi không báo trước mà tới thì ném vào lửa. Một hôm có người anh của một tì thiếp đến thăm mà không xưng tên, người hầu bắt lấy ném luôn vào lò lửa. Người này sợ quá kêu to tên Tự Đạo, Tự Đạo mới nhận ra, nhưng khi đó người này đã bị bỏng nặng khó cứu được[2].

Năm 1267, Tự Đạo tiến cử Diệp Mộng Đỉnh làm Hữu Thừa tướng. Mộng Đỉnh từ tạ đến mấy lần mới nhận chức. Sau đó Mộng Đỉnh xem xét việc ở Lợi Châu, thấy Tự Đạo bài xích nhiều quan viên trong châu, nên không vừa lòng, dâng sớ từ chức. Mẹ Tự Đạo là Hồ thị được tin trách mắng Tự Đạo nên hắn không dám gây khó dễ cho Mộng Đỉnh. Từ khi Tương Dương bị vây, mỗi lần có biểu từ chiến trận gửi về, Tự Đạo đều giấu không báo lên. Lã Văn Hoán cố thủ cô thành đã 5 năm, tình thế rất khó khăn; thường nhìn về hướng nam mà bái lạy, mong quân tiếp việc chóng tới. Đến khi sự việc không giấu được, Tự Đạo xin ra trận đốc quân nhưng ngầm bảo người xin giữ lại. Ngự sử Lý Vượng nói với Tự Đạo nên dùng Cao Đạt, Tự Đạo nói

Ta dùng lại Cao Đạt thì ăn nói sao với Lã thị đây.

Lý Vương lui ra mà thở dài

Lã thị yên thì Triệu thị nguy.

Giám sát ngự sử Trần Kiên dâng sớ tấu rằng sư thần dù có ra trận, được Tương thì mất Hoài, được Hoài thì mất Tương không thể giữ hết hai nơi được, chi bằng cứ để Tự Đạo ở bên trong để điều động binh mã. Do đó Tự Đạo không phải ra ngoài nữa. Tướng Hạ Quý bị quân Đại Nguyên đánh bại, Tự Đạo cất nhắc con rể Lã Văn ĐứcPhạm Văn Hổ làm Điện Tiền đô phó chỉ huy sứ, cầm Điển cấm quân, điều Lý Đình Chi làm chế trí sứ Kinh Hồ lo việc Lưỡng Hồ, đốc sư Tương Phàn[15]. Phạm Văn Hổ sợ Đình Chi giành mất công, nên xin Tự Đạo cho mình đi cứu Tương Dương. Tự Đạo bằng lòng, để quân của Văn Hổ thuộc Khu phủ tiết chế, tách khỏi sự chỉ huy của Đình Chi. Nhưng Văn Hổ cứ chần chừ không tiến quân mà ngày đêm yến ẩm, đá cầu với lũ kĩ thiếp, còn bảo là chưa nhận được ý chỉ. Đến đầu năm 1271, khi Tự Đạo đích thân thúc giục thì Văn Hổ mới tiến quân, nhưng vừa ra trận đã bị quân Nguyên đánh bại ở cửa Chí Lộc, Văn Hổ co giò bỏ chạy.

Giang Vạn Lý lúc này lại triều Tống đình cất nhắc lên chức Tả thừa tướng[16]. Năm 1270, vì Vạn Lý nhiều lần xin cứu Tương Dương làm cho Giả Tự Đạo bực mình, nên Tự Đạo bãi chức của Vạn Lý. Cuối năm 1272, Hữu thừa tướng Mã Quang Tổ do chán ngán Giả Tự Đạo chuyên quyền nên xin từ chức[12]. Tháng 2 ÂL năm 1273, Lã Văn Hoán sau 6 năm kiên trì giữ Tương Dương cuối cùng cũng ra hàng Nguyên triều. Tương Phàn thất thủ, Lâm An rúng động. Giả Tự Đạo đến đây lại lên tiếng trách mắng Độ Tông không cho mình ra trận sớm. Anh Lã Văn HoánLã Văn Phúc hiện là tri Lư châu, con Văn Đức là Lã Sư Quỳ ở Tĩnh Giang đều dâng biểu xin tội, nhưng Giả Tự Đạo hết lòng che chở[12]. Triều đình bắt đầu lo giữ các vùng còn lại. Năm 1274, có chiếu lấy Lý Đình Chi giữ làm chế trí sứ Hoài Đông kiêm tri Dương châu, Hạ Quý làm chế trí sứ Hoài Tây chế trí sứ kiêm tri Lư châu, Trần Dịch làm chế trí sứ Duyện Giang kiêm tri Hoàng châu. Tự Đạo cho thiết lập một bộ phận lấy tin nhanh, và chê trách Xu mật viện để lộ tin quân sự và các tệ nạn làm tin đến chậm. Trần Nghi Trung dâng sớ xin chém Phạm Văn Hổ bỏ đất mất quân, nhưng Tự Đạo chỉ giáng Văn Hổ xuống một bậc, điều làm tri phủ An Huy.. Lấy Uông Lập Tín là Kinh Hồ chế trí sứ, Triệu Tấn con Triệu Quỳ là Duyện Giang chế trí sứ. Giám sát ngự sử Trần Văn Long nói Tấn chưa đủ sức đảm nhiệm công việc ở Duyện Giang, Tự Đạo liền bãi chức Văn Long.

Đầu năm 1274, mẹ Giả Tự Đạo là Hồ thị qua đời, Tự Đạo trờ về Thai châu chịu tang. Tống Độ Tông ban chiếu lấy lễ thiên tử an táng cho Hồ thị, lăng mộ xây theo thế sơn lăng[2][12]. Trăm quan tham gia tang lễ từ sáng tới tối, lúc đó có mưa dầm dề mà chẳng ai dám nhúc nhích. Táng xong, Tự Đạo không ở lại chịu tang mà về triều luôn[12]. Ngày 12 tháng 8 cùng năm, Độ Tông qua đời, hưởng dương 34 tuổi. Bấy giờ triều Tống đang bị quân Nguyên uy hiếp nặng nề, đình thần đề nghị lập người con lớn của Độ Tông là Triệu Thị lên ngôi, nhưng Tự Đạo lấy cớ chọn đích tự, đưa Gia quốc công Triệu Hiển (Con Toàn hoàng hậu) lên ngôi, tức là Tống Cung Đế.